Nếu các bạn đã từng một lần xem các bộ phim điện ảnh nổi tiếng thế giới như Avatar, Avengers, Alice in Wonderland, hay như Life of Pi, Titanic… hẳn các bạn cũng từng thắc mắc họ làm cách nào mà tài thế
Kyxaodienanh.com cũng đã có rất nhiều bài viết để mô tả những phương cách giải quyết vấn đề tuyệt vời của các bậc thầy kỹ xảo điện ảnh trên thế giới. Hôm nay sẽ là một bài viết hơi khác, vẫn là tìm hiểu những gì đằng sau màn ảnh, nhưng là ở góc độ sinh tồn.
Kỹ xảo điện ảnh là một thị trường cạnh tranh khốc liệt trên thế giới. Khối lượng công việc được thực hiện ngày nay thực sự là không thể tưởng tượng nổi nếu so với 20 năm trước. Lĩnh vực nghệ thuật VFX cũng mở rộng rất nhiều.
Vậy tại sao bạn cần dùng đến kỹ xảo?
- Không thể thực hiện được trong thực tế
- Quá nguy hiểm để thực hiện
- Quá đắt tiền nếu phải quay thật
- Để hỗ trợ, nâng cao hiệu quả kể chuyện.
Vậy có 2 vấn đề chính làm cho kỹ xảo trở nên đắt tiền: Tài lực và Vật lực.
TÀI LỰC
Kỹ xảo điện ảnh cần rất nhiều người được đào tạo bài bản, kinh nghiệm cao trong nhiều năm. Một artist nhiều kinh nghiệm có một mức lương rất cao vì nhu cầu sản xuất là rất lớn.
Những artist chưa có nhiều kinh nghiệm và tay nghề có thể có lương khá thấp, nhưng thường thì sẽ đồng nghĩa với việc họ mất nhiều thời gian hơn để sản xuất một sản phẩm tương tự, hoặc đơn giản là sẽ làm ra sản phẩm tệ hơn.
Lao động có tay nghề cao trong ngành giải trí có thể chiếm 40% 50% chi phí hàng năm của công ty.
Một shot phim đầy kỹ xảo thường sẽ được tạo ra bởi rất nhiều công đoạn như:
- concept art (phác thảo ý tưởng, hoàn thiện ý tưởng, thiết kế)
- previs (pre-visualize: tạo các khung cảnh sơ khởi để dễ dàng tưởng tượng, đánh giá)
- postvis (post-visualize: chỉnh sửa previs)
- 3d modelling (tạo mô hình 3D)
- texturing (vẽ chi tiết bề mặt)
- shading (điều khiển chất liệu)
- rigging (gắn khung xương nhân vật)
- matchmoving (mô phỏng quỹ đạo camera thực địa)
- animation (diễn hoạt nhân vật)
- muscle simulation (mô phỏng chuyển động của cơ bắp
- fur simulation (mô phỏng lông, tóc nhân vật)
- lighting (đặt ánh sáng)
- rendering (kết xuất hình ảnh)
- compositing (kết hợp các yếu tố đã tạo ra)
- và một số hiệu ứng khác
Và đó vẫn chỉ đang là dây chuyền sản xuất giữa các artist, mà vẫn chưa tính đến các bộ phận quản lý sản xuất khác.
Đồng thời, không chỉ có những vụ nổ lớn, những cơn bão to mới được tạo nên từ kỹ xảo, mà rất nhiều shot có những hiệu ứng phụ trợ như thay nền trời, roto, chỉnh màu v.v Bạn thậm chí còn không biết có bao nhiêu shot quay trông rất bình thường lại có rất nhiều yếu tố CG được lồng ghép một cách chân thực, tinh tế.
Để tạo ra một bộ phim có hàng tấn kỹ xảo điện ảnh như vậy, thì bạn cần đến cả nghìn artist làm việc nhiều tuần, nhiều tháng.
VẬT LỰC
Các công ty thường luôn cần kiếm được một khoảng tiền lớn nào đó để có thể tồn tại trên thương trường, và kỹ xảo lại là một thị trường có biên lợi nhuận rất mỏng, vì lịch trình thay đổi, vì ý tưởng chủ đạo bị sửa liên tục, và vì phải cạnh tranh khốc liệt với các công ty khác để lấy được hợp đồng.
Ngân sách làm phim thì mỗi năm mỗi giảm. Nhà đầu tư thì luôn mong muốn làm được nhiều cảnh hơn, chất lượng cao hơn, với giá thành ít hơn hoặc không đổi.
Những chi phí chính của một công ty kỹ xảo cần phải chi trả:
A. Bảo trì
Dựa trên kích cỡ của các công ty, giá điện, giá thuê, bản quyền phần mềm đã trở thành một mức định phí rất lớn, cần phải chi trả đều đặn hàng năm.
B. Hệ thống máy tính mạnh mẽ
Kỹ xảo là một ngành hại điện, giết phần cứng rất mạnh. Một frame kỹ xảo có thể cần tới 12 tiếng hoặc hơn để render, tùy thuộc vào độ phức tạp của nó.
C. Lưu trữ
Một lần lặp duy nhất của một khung hình mất khoảng 50 – 100 MB hoặc hơn. Trung bình bạn sẽ tiêu tốn khoảng 5GB cho một giây phim. Nhân số đó lên cho 60 giây, cho từng lần chỉnh sửa, và cho từng lớp khác nhau, ta có 400GB cho 1 phút phim, và khoảng 48TB cho một phim.
Và còn những chi phí khác
Với tư duy “I’ll fix it in post” của đoàn làm phim, mỗi lần nghe câu “Let’s just deal with it in post” thì giá của nó lại tăng lên một khoảng. Khoảng đó nhiều hay ít là do sự bất cẩn, thiếu chuyên nghiệp, thiếu thời gian và sự ỷ lại nhiều hay ít của ekip trên trường quay.
Nói rộng ra hơn một chút, trong thời kỳ đầu, những phim như Jurassic Park, bạn thường thấy một bộ phim sẽ tầm khoảng 100 hoặc ít hơn 50 shot kỹ xảo, và thường công ty kỹ xảo cũng phải mất trên dưới 1 năm sản xuất để làm được những cảnh này.
Còn bây giờ, với dây chuyền sản xuất kỹ xảo hiện đại, một phim thể loại siêu anh hùng lại có đến 1200-2200 shot kỹ xảo, và lại chỉ có khoảng 5-8 tháng để sản xuất hậu kỳ. Do vậy phải huy động nhiều người hơn trong một khoảng thời gian ngắn hơn.
Một vài suy nghĩ vẩn vơ
Để rút ngắn lý do tại sao kỹ xảo lại đắt, chỉ đơn giản là cần đến hàng trăm hoặc hàng nghìn người, hàng trăm, hàng nghìn giờ để làm kỹ xảo. Công sức của hàng tấn người và chi phí của hàng tấn thứ ở các công ty kỹ xảo cũng cần được trả tiền.
Kỹ xảo đẹp thì rất đắt, mà kỹ xảo tuyệt vời thì còn đắt hơn nữa. Nếu bạn đã từng xem phim, hãy nán lại một chút để xem một list dài những con người tài năng đã dồn tâm huyết, công sức để làm nên những bộ phim ấy.
Biên dịch và biên tập: Anh Vũ