Khi một nền điện ảnh được xem là tạo dấu ấn trên bản đồ điện ảnh thế giới, người ta thường đánh giá dựa trên những thành tựu về hệ thống tác giả, tác phẩm của nền điện ảnh đó. Tức là, những tác phẩm điện ảnh đó trước tiên phải đạt được thành công nhất định, phải mang một màu sắc riêng về văn hóa dân tộc, về nội dung câu chuyện, về bối cảnh… và tác giả (thường là đạo diễn) có được một phong cách đặc sắc trong cách kể chuyện, dàn dựng,.. hay nói cách khác khi nhìn vào nền điện ảnh quốc gia này, người ta có thể chỉ mặt gọi tên các tác giả, tác phẩm tiêu biểu của quốc gia đó. Một số dẫn chứng tiêu biểu có thể kể đến như nền điện ảnh Hoa Kỳ, điện ảnh Italia, điện ảnh Trung Quốc, điện ảnh Nhật Bản, điện ảnh Iran, điện ảnh Pháp, điện ảnh Đức…
Nói đến điện ảnh Việt Nam, chúng ta không thể phủ nhận những thành quả mà các nghệ sỹ điện ảnh đã gặt hái được trong suốt một chặng đường dài của lịch sử điện ảnh Việt Nam. Một số bộ phim trong những năm gần đây của các tác giả Việt Nam cũng đã đạt được giải thưởng của nước ngoài như “Đập cánh giữa không trung” của Nguyễn Hoàng Điệp. “ Đảo của dân ngụ cư” của Hồng Ánh, “Ròm” của Trần Thanh Huy… Tuy nhiên, đó mới chỉ là những hạt cát rất nhỏ trong đại dương bao la, thực tế cho thấy điện ảnh Việt Nam chưa thực sự tạo được dấu ấn trên thị trường điện ảnh thế giới. Nguyên nhân có thể thấy được ở đây đó là nền điện ảnh Việt Nam chưa thế hiện được rõ nét bản sắc văn hóa dân tộc trong tác phẩm của mình. Nhiều bộ phim độc lập dù đạt được giải thưởng quốc tế nhưng chúng lại chịu ảnh hưởng của văn hóa phương tây quá nhiều, khiến chính khán giả Việt Nam xem mà không nhận ra đó là đất nước mình đang sống, là con người mà chúng ta hàng ngày đang tiếp xúc. Điều này có thể thấy rõ trong “Mùi đu đủ xanh” của Trần Anh Hùng. Bên cạnh đó việc chưa có sự đầu tư tìm hiểu văn hóa Việt Nam đã vội vàng đem những “nghiên cứu” mang tính nửa vời đó lên phim khiến khán giả quốc tế có thể hiểu sai về văn hóa Việt Nam hay đánh đồng văn hóa Việt Nam chính là văn hóa Trung Quốc. Thực tế cho thấy nền điện ảnh Việt Nam đang nợ dòng phim lịch sử cổ trang một lời xin lỗi. Bởi lẽ những kiến thức lịch sử hay khả năng sáng tạo các kịch bản lịch sử không phải là thách thức gì đối với đội ngũ làm phim Việt, tuy nhiên bên cạnh yếu tố tài chính thì những kiến thức về văn hóa cổ của người Việt còn bộc lộ nhiều hạn chế. Ví dụ, một trong những yếu tố để chúng ta có thể phân biệt được thời kì lịch sử này với thời kì lịch sử khác đó chính là trang phục. Trang phụ ra sao, phối đồ như thế nào, bới tóc kiểu gì… sẽ phản ánh đúng thời kì lịch sử mà trang phục, phục sức ấy thịnh hành. Tuy nhiên vì không có nguồn tư liệu đầy dủ và cách tuyên truyền văn hóa của Việt Nam còn hạn chế (ngoài áo dài, nón lá ra thì hầu như người Việt ít khi biết tới các loại trang phục, phục sức khác của dân tộc) nên khi các bộ phim lịch sử cổ- trung đại ra mắt, khán giả đều sẽ bĩu môi “Sao lại giống Trung Quốc thế” hay khi đem những bộ phim đó chiếu sang nước ngoài họ cũng lầm tưởng đó là phim Trung Quốc (vì họ không phân biệt được tiếng Việt và tiếng Trung).
Bên cạnh đó nếu nói các tác giả điện ảnh Việt Nam chưa có được phong khách riêng thì sẽ là một đánh giá mang tính quá chủ quan. Về phong cách, mỗi người một kiểu, không thể nói là không có chất “riêng”. Tuy nhiên chất “riêng” của họ bị ảnh hưởng nhiều từ những nền điện ảnh khác trên thế giới. Nếu như các thế hệ ông cha đi trước (những thế hệ được coi là khai sinh ra nền điện ảnh cách mạng Việt) chịu ảnh hưởng nhiều từ phong cách phim của các nước xã hội chủ nghĩa thì ngày nay các đạo diễn chịu ảnh hưởng từ nhiều luồng văn hóa khác nhau. Vì vậy những bộ phim của họ làm ra có phim mang đậm phong cách làn sóng mới của điện ảnh Pháp, hoặc mang phong cách phim giải trí của Hàn Quốc…vì vậy có thể nói các tác phẩm điện ảnh Việt Nam mang một phong cách đa văn hóa. Vậy cuối cùng dấu ấn mà điện ảnh Việt Nam đạt được là gì? Điều này tạm thời chưa có câu trả lời.