EVENT
Dòng phim Việt hóa lên ngôi và ảnh hưởng mạnh mẽ tới nền điện ảnh Việt Nam
Trong nhiều năm trở lại đây, các bộ phim được Việt hóa từ kịch bản và phim của nước ngoài đang ngày càng trở nên phổ biến, thậm chí áp đảo doanh thu phòng vé tại Việt Nam. Là một bộ phận của phim remake (hay những phim làm lại từ những bộ phim đã ra mắt trước đó), dòng phim Việt hóa đem lại một sân chơi mới cho các nhà làm phim, tạo nên sự giao thoa văn hóa và mở rộng nguồn cảm hửng. Nguồn sản phẩm- nguyên liệu cho quá trình Việt hóa phim- chủ yếu đến từ các bộ phim đình đám của Hàn Quốc, đất nước có nhiều điểm chung về văn hóa, lối sống với Việt Nam. Đây là nguồn cảm hứng phong phú để các nhà làm phim sản xuất các tác phẩm một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất do đã có bản gốc làm mẫu, tùy thuộc vào điều khoản về tác quyền mà hầu như các bộ phim Việt hóa đều đem y nguyên 90% toàn bộ các sáng tạo nghệ thuật của bản gốc. Sự mới mẻ, nguồn kích thích trí tò mò và đặc biệt là hiệu ứng sẵn có của bản gốc là điểm mạnh để thu hút sự chú ý của khán giả tới rạp và thưởng thức các sản phẩm remake từ nước ngoài này. Doanh thu từ đó sẽ nhanh chóng tăng, đáp ứng mong muốn của nhà sản xuất chiếm hữu thị trường điện ảnh.
Tuy nhiên cái gì cũng có tính hai mặt của nó. Bên cạnh những lợi ích mà dòng Việt hóa đem lại, chúng cũng nảy sinh những vấn đề bất cập. Thứ nhất. sự sáng tạo về khâu kịch bản trở nên kém chất lượng. Thay vì các biên kịch phải dày công suy nghĩ để viết nên một kịch bản hay (vốn đã rất khó và hiếm có ai ở Việt Nam làm được) thì giờ họ chỉ cần photocopy gần như toàn bộ kịch bản gốc, thay đổi một chút cho phù hợp với văn hóa Việt mà không cần lo lắng về chất lượng nội dung kịch bản. Thứ hai, các bộ phim Việt hóa cạnh tranh trực tiếp với các bộ phim thuần Việt. Với sự mới mẻ của văn hóa ngoại nhập, các phim Việt hóa thu hút khán giả đến rạp nhiều hơn, sự kiểm duyệt cũng không quá khắt khe, khiến cho các phim thuần Việt luôn gặp khó khăn trong cuộc đua phòng vé. Thay vì khán giả được tiếp cận với nét văn hóa dân tộc Việt thì giờ họ tiếp cận với văn hóa nước ngoài còn nhiều hơn thế. Việt phát triển phim Việt hóa cũng dẫn tới một thực trạng là sự can thiệp, chi phối của các nhà sản xuất và phát hành nước ngoài tới sản xuất và phát hành điện ảnh Việt Nam ngày càng trở nên mạnh mẽ. Đây là mối nguy hiểm tiềm tàng cho nền điện ảnh Việt khi sự mất cân bằng trong hệ thống phòng chiếu, chất lượng sản phẩm,…khiến cho vị thế phim Việt trở nên yếu thế hơn. Nhưng với những lợi ích về kinh tế và sự dễ dàng trong sáng tạo, các phim Việt hóa vẫn luôn được ưa chuộng, buộc các nhà quản lí phải có những biện pháp cụ thể, không hẳn là cấm nhưng phải cân bằng được sự phát triển song song của phim Việt hóa và phim thuần Việt.