Nền điện ảnh Việt Nam còn thiếu sự đồng bộ hóa

Điện ảnh đã sớm không chỉ là một bộ môn nghệ thuật đơn thuần mà đã trở thành một ngành công nghiệp không khói lớn trên thế giới. Người ta sản xuất phim là để kinh doanh, thu lợi nhuận, làm giàu. Hàng năm có tới hàng triệu bộ phim được sản xuất trên toàn thế giới, vì vậy buộc các nền điện ảnh phải có một sự đồng bộ hoàn hảo về tổng thể, từ đầu tư, sản xuất, phát hành. Các trường điện ảnh xuất hiện, đào tạo ra nguồn nhân sự phục vụ cho ngành công nghiệp này. Bên cạnh các nhân sự sáng tạo nghệ thuật, thì các nhân sự như kĩ thuật công nghệ, nhân sự Pr marketing,… cũng được tạo điều kiện để phát triển. Tất cả đều được đưa vào một guồng quay với sự đồng bộ nhất định, bộ phận nào làm công việc của bộ phận đó với công suất và hiệu quả đạt mức tối đa. Chính vì thế một số lượng lớn các bộ phim ra đời, và nếu như có sự đồng bộ trong toàn bộ quá trình sản xuất và phát hành, thì bộ phim đó chắc chắn sẽ đạt được hiệu quả rất cao cả về tính nghệ thuật và tính thương mại. Quay trở lại với Việt Nam. Có thể nói Việt Nam cũng rất chú trọng tới việc phát triển ngành điện ảnh, các trường đào tạo về điện ảnh được thành lập và hàng năm đều có nhiều nhân sự tốt nghiệp ra trường và phục vụ cho ngành điện ảnh. Tuy nhiên, nếu chỉ đào tạo nhân sự làm nhiệm vụ sáng tạo nghệ thuật thì chưa đủ. Vậy mà các nhân sự về quảng cáo truyền thông, về phát hành phim thì lại chưa được chú trọng đúng mức như chúng cần. Hầu như chưa có trường lớp nào chuyên nghiệp đào tạo những mảng như vậy. Chủ yếu là các workshop, tự học, hoặc học từ nước ngoài về Việt Nam làm. Chính vì vậy có sự chênh lệch rất lớn giữa các khâu của quá trình sản xuất và quảng bá, phát hành phim. Bên cạnh đó sự chuyên nghiệp trong quá trình sản xuất cũng chưa được phát triển đầy đủ. Sở dĩ các quốc gia có nền điện ảnh tiên tiến nhất thế giới có thể biến điện ảnh thực sự là một ngành công việc thương mại, với vô vàn các bộ phim được sản xuất hàng năm (tất nhiên không phải 100% phim ra lò đạt được chất lượng nghệ thuật và thương mại tốt), tất cả là do họ có sự đồng bộ trong khâu sản xuất, khả năng sáng tạo xuất sắc, công nghệ kĩ thuật hiện đại cùng nhân sự có trình độ cao vận hành. Tất nhiên không phủ nhận khả năng sáng tạo và cảm thụ nghệ thuật của các nghệ sĩ Việt Nam, thế nhưng để tất cả mọi thành phần cùng tập hợp để chèo lái guồng quay sản xuất các tác phẩm điện ảnh thì chúng ta thực sự còn nhiều thiếu xót. Quy trình sản xuất của Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhiều ekip vẫn đi theo quy trình cổ điển mà chưa tiệm cận với các quy trình mới trên thế giới. Sự thiếu hụt trong khâu đầu tư trang thiết bị, công nghệ điện ảnh và đào tạo nhân sự vận hành các công nghệ đó cũng là một bức tường lớn ngăn cản sự phát triển của quy trình sản xuất điện ảnh. Có một tình huống rằng nếu như mời James Cameron sang Việt Nam, với chính kịch bản “Titanic” do ông chắp bút, Cameron làm việc cùng ekip Việt Nam để sản xuất “Titanic” thì liệu bộ phim ấy có thành công hay không? Câu trả lời có lẽ là không. Bỏ qua các vấn đề về sự khác biệt giữa các nền văn hóa, thì việc chênh lệch về trình độ, cách thức làm việc và sản xuất của Hoa Kì và Việt Nam chính là rào cản lớn nhất khiến cho bộ phim thay vì là một cú hit lớn thì sẽ trở thành một quả bom xịt. Vì vậy cho nên sự đồng bộ hóa là một yếu tố quan trọng, góp phần trở thành bệ phóng cho sự phát triển của nền điện ảnh Việt Nam nói chung và phim truyện điện ảnh Việt Nam nói riêng. Có lẽ để tìm ra đâu là vấn đề cốt lõi tạo nên ảnh hưởng thúc đẩy hoặc kìm hãm sự phát triển của điện ảnh Việt Nam là một việc vô cùng khó khăn khi các cấp lãnh đạo của bộ văn hóa, cục điện ảnh, những cây đa cây đề của nền điện ảnh trong một khoảng thời gian dài cho tới nay vẫn còn đang tranh cãi và chưa tìm ra được. Tuy nhiên trong khuôn khổ của bài luận này, người viết mạnh dạn lựa chọn vấn đề về sự đồng bộ hóa là vấn đề then chốt tạo nên sự ảnh hướng tích cực hoặc tiêu cực tới nền điện ảnh. Vì bất cứ một mắt xích nào trong toàn bộ quá trình sản xuất, phát hành phim đều có sự quan trọng của nó, không có một mắt xích nào là thừa thãi (nếu thừa nó đã không tồn tại). Và chính vì thế, sự thiếu hụt một hay nhiều mắt xích là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng. Kể cả khi có đủ mọi thành phần những có một bộ phận bị yếu, bị trượt ra khỏi đường ray vận hành của cả bộ máy thì lập tức bộ phim đó sẽ gặp rắc rối. Giống như một cơ thể người vậy. Vì vậy để một cơ thể khỏe mạnh, các bộ phận phải hoạt động tốt và đồng nhất. Muốn một nền điện ảnh phát triển, các khâu trong toàn bộ quá trình sản xuất, phát hành của tất cả các bộ phim cũng như toàn bộ nền điện ảnh phải đạt tới sự đồng bộ hoàn hảo. Có đồng bộ thì có phát triển, thiếu đồng bộ thì sẽ khiếm khuyết.
Gọi điện
Nhắn tin SMS